- Have 1 Online
- have 124917 vitors
Tăng cước, phụ phí cảng biển: Bất hợp lý, áp đặt và cần kiểm soát!
Ngày 8/8/2014, tại Tp.HCM, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức cuộc họp về việc thu phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài. Tham dự có đại diện lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Cục XNK (Bộ Công Thương); VASEP, Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam, VCCI, các hãng tàu biển, đại lý tàu biển và các DN XNK.
Tại cuộc họp này, các chủ hàng, Hiệp hội ngành hàng bày tỏ nhiều bức xúc đối với việc thu quá nhiều loại phụ phí như hiện nay, hiện có khoảng 10 loại phụ phí đang được các chủ tàu áp dụng như: Phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC/CIS), phí tắc nghẽn cảng (PSC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, lưu bãi, phí cầu đường, phí hóa đơn… Các loại phụ phí này tăng theo thời gian, hiện đã tăng từ 20-30% so với năm 2013, không có lộ trình và không có sự thỏa thuận nào giữa chủ hàng và chủ tàu.
Trước những bức xúc của các Hiệp hội và DN XNK, các chủ tàu đã đưa ra những lý do phải thu những loại phí trên là theo yêu cầu của công ty mẹ ở nước ngoài nhằm bù đắp những chi phí khi bị ùn tắc hàng tại cảng, và khẳng định việc thu phí này phù hợp với thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, những giải thích này không thuyết phục và thỏa đáng đối với cơ quan quản lý và các DN.
Các chủ tàu đã bắt đầu thu các loại phí này từ năm 2010 đến nay, riêng phí tắc nghẽn tại cảng Cát Lái được thu trong mấy tháng gần đây do cảng bị tắc nghẽn, tuy nhiên tới nay, tình trạng tắc nghẽn này đã được giải quyết. Đại diện của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) khẳng định tại cuộc họp, việc tắc nghẽn tại cảng Cát Lái đã chấm dứt từ ngày 9/7/2014, hiện nay tình hình giao nhận của cảng đã đi vào ổn định. Nhưng nhiều DN tại cuộc họp bức xúc đặt câu hỏi: Phí tắc nghẽn thu khi tình trạng hàng hóa bị ùn ứ cục bộ và chỉ là một giải pháp tạm thời để giải phóng nhanh hàng hóa, vậy tại sao một số hãng tàu hoặc đại lý tàu vẫn áp dụng thu phụ phí tắc nghẽn?
Thậm chí theo phản ánh của DN XK thủy sản, một số hãng tàu thông báo sẽ tiếp tục thu trong thời gian tới (từ 15/8-01/9/2014): hãng MSC thông báo thu từ 01/9/2014, OOCL thông báo thu từ 15/8 và 31/8/2014 tại nhiều cảng chứ không riêng tại cảng Cát Lái.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp này, ngày 8/8/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã gửi ngay Công văn số 3188b/CHHVN-VTDVHH (CV 3188b) tới các hãng tàu biển, đại lý tàu biển đề nghị không thu phụ phí tắc nghẽn cảng tại cảng Cát Lái kể từ ngày SNP ra thông báo không còn hiện ùn tắc nữa (5/8/2014). Cũng trong ngày, Cục Hàng Hải Việt Nam gửi gửi Công văn số 3191/CHHVN-VTDVHH báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài, trong đó nêu rõ, Cục sẽ rà soát các hãng tàu không thực hiện nội dung CV 3188 và báo cáo Bộ GTVT biện pháp xử lý.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc chủ tàu ồ ạt thu các loại phí đã xuất hiện từ 4 năm nay, Bộ GTVT cũng đã có Công văn số 2730/BGTVT-VT ngày 13/5/2011 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thu thêm phụ phí đối với hàng NK, trong đó kiến nghị một số giải pháp, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Hiện vẫn chưa có cơ chế kiểm tra giám sát, quản lý của cơ quan chức năng đối với vấn đề này. Để mang lại công bằng cho chủ hàng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh, Cục XNK (Bộ Công Thương); VCCI, Hiệp hội chủ hàng, các Hiệp hội ngành hàng… rà soát cụ thể việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế, báo cáo Bộ GTVT yêu cầu chủ hàng ngừng thu ngay một số loại phí bất hợp lý.
Đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, VCCI thành lập tổ công tác liên ngành quản lý, giám sát việc thu phụ phí tàu biển đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, thông lệ Quốc tế, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý phù hợp.
Sau cuộc họp này, ngày 12/8/2014, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, VASEP, Hiệp hội Dệt may Việt Nam về vấn đề này. Các ý kiến đều nhất trí cho rằng, các khoản phụ phí mà các chủ tàu đang đưa ra hầu hết rất bất hợp lý, không có lộ trình, thậm chí tăng đột biến một cách phi lý và ép buộc. Thực chất các loại phí này nằm trong giá cước vận tải những các hãng tàu hạ giá cước vận tải để giành hợp đồng vận tải bên ngoài Việt Nam và tăng thu phụ phí của các chủ hàng Việt Nam để bù lại giá cước. Để lấy được hàng hóa, các DN đành phải chấp nhận các khoản phí này vì không có sự lựa chọn nào khác.
Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, các hiệp hội đề nghị các hãng tàu có sự hợp tác, thống nhất tăng giá cước, phụ phí với chủ hàng. Đồng thời, cần phải có sự vào cuộc mạnh tay, cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.
- 03/10/2014 10:43 - Cà Mau: Bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi
- 03/10/2014 10:40 - Bơm chích tạp chất vào tôm: Phải mạnh tay ngăn chặn
- 16/09/2014 15:06 - Cổ phiếu thủy sản hưởng lợi
- 16/09/2014 15:03 - Cá ăn nhựa microbeads?
- 16/09/2014 15:01 - 39 hãng tàu biển thông báo ngừng thu phí PCS
- 25/08/2014 14:07 - Fimex VN: Đủ tôm nguyên liệu cho chế biến
- 15/07/2014 08:57 - Hải quan ghi nhận vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN thủy sản thực hiện VNACCS/VCIS
- 15/07/2014 08:55 - Doanh nghiệp Nhật giúp ngư dân đóng tàu, đấu giá cá ngừ đại dương
- 15/07/2014 08:55 - Doanh nghiệp Nhật giúp ngư dân đóng tàu, đấu giá cá ngừ đại dương
- 01/07/2014 10:05 - WWF kêu gọi đẩy mạnh kế hoạch bảo vệ nguồn lợi cá ngừ Ấn Độ Dương